Sơn nước là loại sơn với một hệ thống đồng nhất có khả năng bám dính và bao phủ bề mặt vật chất của công trình. Thành phần chính của sơn nước bao gồm chất tạo màng (còn gọi là chất kết dính), chất tạo màu, dung môi và các chất phụ gia khác.
Chi tiết thành phần chính của sơn nước như sau:
- Chất tạo màng (chất kết dính)có khả năng quyết định đến tính chất của màng sơn như độ bền, độ bóng và khả năng chống thấm. Ngoài ra, tỷ lệ thành phần nhựa cũng quyết định đến độ an toàn của sơn nước.
- Nước: Nước là dung môi giúp cho các hạt nhựa phân tán và dễ dàng thi công.
- Chất tạo màu: Đây được xem là thành phần tạo nên tính đặc trưng và quyết định màu sắc của sơn nước.
- Chất phụ gia: Có vai trò quan trọng và làm tăng giá trị sử dụng cho sơn nước. Một số chất phụ gia có trong thành phần của sơn nước như chất bảo quản, chất chống nấm mốc… giúp tăng độ bền, độ bám dính và khả năng chống nước, chống rêu mốc… tốt hơn.
Sơn nước có nhiều ứng dụng hữu ích khi sử dụng cho các công trình như tường, trần nhà, cửa ra vào, ban công và các bề mặt nội ngoại thất khác. Bên cạnh đó, sơn nước có thể được pha chế với nhiều màu sắc khác nhau đáp ứng nhu cầu và sở thích, giúp cho bạn có thể tạo ra các thiết kế độc đáo cho không gian của mình.
Phân loại sơn nước
Tùy theo tiêu chí phân loại, hiện nay, sơn nước được phân thành các dạng sơn như sau:
Theo tính năng sử dụng, sơn nước có thể được chia thành 2 loại: sơn phủ và sơn lót
Sơn lót (primer paint) là lớp sơn với công thức riêng biệt, được phủ lên bề mặt vật liệu trước khi tiến hành sơn phủ hoặc sơn màu. Sơn lót có nhiều công dụng hữu ích như sau:
- Hạn chế hiện tượng bong tróc sơn với vai trò như lớp băng dính hai mặt gắn kết bề mặt với lớp sơn chuyển tiếp.
- Nâng cao chất lượng bám dính với thành phần kháng kiềm thường xuất hiện trong vôi và xi măng.
- Kháng khuẩn, chống nấm mốc tránh ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết nước ta nồm ẩm
- Tạo độ mịn, đều màu sơn: Lớp sơn lót giúp tăng cường độ dày của lớp sơn, tạo độ mịn để khi sơn lớp sơn phủ đã có bề mặt ổn định, màu sơn được đẹp và đều màu hơn
Sơn phủ (Coating Paint) là lớp sơn cuối cùng để hoàn thiện bề mặt công trình giữ bề mặt tường có đẹp mắt hơn và chịu các tác động từ môi trường. Sơn phủ có vai trò quan trọng như:
- Làm cho ngôi nhà có màu sắc đẹp hơn, thẩm mỹ hơn với bề mặt tường mịn, phẳng và đẹp. Một số sơn phủ nội ngoại thất còn có tác dụng chống bám bẩn, chống nấm mốc, hạn chế thấm nước, rêu mốc, loang màu giúp độ bền màu.
- Đối với sơn phủ ngoại thất sẽ có tác dụng chống phai màu, chống thấm tường, hạn chế bám bụi và phản xạ giảm nhiệt
Theo vị trí sử dụng, sơn nước được chia thành 3 loại cơ bản sau: sơn nội thất, sơn ngoại thất và sơn chống thấm.
- Sơn nội thất (Interior Paint)
Sơn nội thất là dòng sơn nước chuyên dụng để sơn các bức tường bên trong nhà. Sơn nội thất chú trọng đến khả năng chống bám bẩn tốt, độ bóng mịn, độ bền màu, không độc hại và an toàn cho sức khỏe.
Đặc điểm nổi bật của một dòng sơn nội thất tốt phải an toàn với sức khỏe người dùng (VOCs thấp); độ bóng mịn, dễ lau chùi; kháng nấm mốc, kháng khuẩn; màu sắc đa dạng.
- Sơn ngoại thất (Exterior Paint)
Sơn ngoại thất được sử dụng để sơn các mảng tường ở ngoài nhà. Sơn ngoại thất tốt thường có các đặc điểm như độ bền cao, chịu được tác động của thời tiết khắc nghiệt, chống thấm nước, chống nắng, chống rêu mốc.
- Sơn chống thấm (Waterproof Paint)
Sơn chống thấm là một loại sơn được sử dụng để tạo ra một lớp màng chống thấm bề mặt, ngăn chặn sự thấm nước từ bên ngoài vào trong công trình, bảo vệ bề mặt khỏi ẩm mốc và hư hại. Sơn chống thấm thường được thi công cho ngoài nhà, bên trong nhà tắm, nhà vệ sinh, ban công, mái nhà…